Bạn biết gì về hát xẩm môn nghệ thuật dân gian truyền thống

0
1851

Hát xẩm đối với đại đa số người Việt Nam có lẽ đã không còn quá xa lạ, nhưng vẫn chưa nhiều người thực sự biết rõ về nó. Vậy hát xẩm là gì? Tại sao nhiều người lại ra sức bảo vệ hát xẩm đến thế? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

1. Hát Xẩm là gì?

Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật được trình diễn bởi những người mù lòa. Sân khấu, nơi họ tỏa sáng, không phải là những rạp hát sang trọng, hay khán phòng rộng lớn, sân đình uy nghi, mà chỉ đơn giản là những nơi có nhiều người qua lại như đầu chợ, gốc cây, bến đò,…

hát xẩm

Mỗi nhóm xẩm thường gồm vài ba người, trong đó có ít nhất một người mù

Mỗi nhóm hát xẩm thường gồm vài ba người, trong đó có ít nhất một người mù đảm nhiệm vai trò vừa đàn vừa hát. Trong hoàn cảnh khổ cực của xã hội ngày xưa, xẩm là thể loại nhạc phổ biến, và truyền rất tốt các câu tục ngữ dân gian, thông qua những mẩu truyện cổ tích, thần thoại,…

Các tốp hát xẩm hành nghề theo thời vụ sinh hoạt của người dân các vùng nông nghiệp. Những nghệ nhân hát xẩm ở một số nơi phía Bắc thường tập hợp nhau và tạo thành làng xẩm, hội xẩm theo từng đơn vị tỉnh, thành khác nhau.

Các hội, các làng xẩm có người đứng đầu gọi Bô. Bô là người trực tiếp điều hành công việc, thủ tục của làng đó. Các làng hát xẩm truyền thống thường sở hữu khu đất riêng làm trụ sở, và sử dụng nó để làm chỗ họp thường kỳ. Ví dụ như trụ sở của Hội Xẩm Hà Nội là bãi thuốc lá Yên Phụ, hay Hội Xẩm Hải Phòng có trụ sở ở ở đầu xóm Cầu Đá,…

Dần dà, những nghệ nhân tự xếp nghề hát xẩm vào cùng loại hình với hát Chèo ở hạng trung ca, và phân biệt rõ hát Tuồng thuộc hạng võ ca, hạng văn ca là Ca trù.

2. Đặc điểm của hát xẩm

Hát xẩm có rất nhiều nét đặc biệt khiến nó trở thành một bộ môn nghệ thuật truyền thống của nước ta. Bên cạnh nét đặc trưng là được trình bày bởi những người khiếm thị, hát xẩm còn khiến người khác bị thu hút bởi loại hình hát nói kể chuyện của nó. Những giai điệu của lời ca chủ yếu là ngữ điệu câu lời kể, có tính tự sự cao, kèm theo đó là một số yếu tố diễn xuất khi trình bày.

hát xẩm

Hát xẩm khiến người khác bị thu hút bởi loại hình hát nói kể chuyện

Tám điệu thường được vận dụng trong hát xẩm là xẩm chợ, chênh bong, riềng huê, hò bốn mùa, hát ai, ra bực, phồn huê, và thật ân. Ngoài ra, trong một màn biểu diễn, các nghệ nhân còn vận dụng những cách hát ví, cò lả, quan họ, chèo, trống quân, hoặc ngâm thơ cách điệu,… để tăng sức hấp dẫn của màn diễn.

Tuy lời ca mộc mạc, chân thành, nội dung của xẩm cũng chan chứa những luồng tư tưởng sâu sắc. Mang hàm ý của những triết lý, hay những lời răn dạy đạo lý khi sống ở đời.

Cho đến những năm 70 của thế kỉ XX, nhiều người luôn cho rằng hát xẩm chỉ dành cho những người hành khất, nên giá trị nghệ thuật của loại hình này hoàn toàn không được coi trọng. Tuy vậy, khi phải chứng kiến cảnh hát xẩm đang dần đi vào ngõ cụt, nhiều người đã và đang ra sức vực dậy và bảo tồn nó.

Xem thêm:

3. Nguồn gốc của xẩm

Nhiều tài liệu đã chỉ ra, hát xẩm được hình thành từ khoảng thế kỷ XIV. Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, nhiều cái tên đã được sử dụng để gọi hát xẩm, như hát rong, hát dạo,… Nhưng sự thật, hát xẩm là một thể loại âm nhạc truyền thống chính chuyên, một loại hình diễn xướng độc đáo của dân gian trong kho tàng âm nhạc dân tộc cổ truyền.

3.1. Truyền thuyết nghề hát xẩm

Dân gian lưu truyền rằng, ở thời nhà Trần, vua Trần Thánh Tông có hai vị hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại trong cuộc chiến tranh giành ngôi báu, hai mắt bị chọc mù và bị bỏ lại giữa chốn rừng sâu. 

Sau khi tỉnh dậy, vì hai mắt mù lòa, Trần Quốc Đĩnh chẳng biết làm gì ngoài than khóc rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, ông bụt hiện ra và dạy cho ông cách để làm thành cây đàn với những sợi dây làm từ dây rừng, và gảy đàn bằng que nứa. 

Tỉnh dậy một lần nữa, ông sử dụng các giác quan còn lại đề mò mẫm làm cây đàn như bụt chỉ. Lạ thay, những âm thanh từ cây đàn vang lên rất hay, đến nỗi chim muông phải sà xuống nghe, và mang hoa quả chúng nhặt được đến cho ông ăn. 

Những người đi rừng cũng vì nghe tiếng đàn mà tìm thấy và đưa ông về làng. Tại đó, những người nghèo, khiếm thị được Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho. Lời đồn đại về những khúc nhạc của ông lan xa đến tận hoàng cung rộng lớn. Vua biết tin, bèn cho mời ông vào hát và nhận ra đó là hoàng tử, con của mình. 

Tuy đã trở về đời sống cung đình của một vị hoàng tử, Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục dạy đàn cho người dân nghèo để học kiếm tiền nuôi sống bản thân. Từ đó mà môn hát xẩm ra đời, và hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được mọi người tôn lên làm ông tổ nghề hát xẩm, cũng như hát xướng dân gian Việt Nam. 

Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam, một tổ chức thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam còn lập ra một giải thưởng mang tên Trần Quốc Đĩnh; nhằm mục đích tôn vinh, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người có công lao đối với hát xẩm, cũng như với lĩnh vực âm nhạc truyền thống. Giải này được trao lần đầu tiên vào năm 2008.

Tuy vậy, dựa theo sử sách, vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử nào được đặt tên là Đĩnh hay Toán. Thái tử của vua Thánh Tông có tên là Khảm; và một người con nữa chính là Tả Thiên vương, chính sử ghi lại đây là người có nhân cách tốt. Vì vậy nguồn gốc về tổ nghề hát xẩm cho đến nay vẫn chỉ là một truyền thuyết.

3.2. Hát xẩm trong xã hội xưa

Trong xã hội phong kiến, hát xẩm phản ánh những bất công cường quyền, áp bức, và những thói hư tật xấu đang tồn tại trong xã hội. Nó là tiếng nói đại diện, bênh vực cho số phận bất hạnh, nghèo khổ của người dân khi bị chà đạp. Sau chiến tranh, các giai điệu hát xẩm được sử dụng để tuyên truyền cho người dân về những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ngày xưa, khi vai trò xã hội của hát xẩm vẫn còn nguyên vẹn, người mắt sáng hiếm khi tự thân hát xẩm. Họ chủ yếu đi để trợ giúp các nhóm xẩm (thường là người thân của người hát). 

Truyền thuyết về hát xẩm cũng phần nào thể hiện tinh thần sống kiên cường, vượt qua trở ngại, giữ thái độ lạc quan trong cuộc sống. Điều này được thể hiện qua quá trình vị hoàng tử trở lại hoàng cung từ chốn rừng hoang, và kể cả trong thực tế. Bởi vì những người khiếm thị biểu diễn hát xẩm luôn chăm chỉ làm việc, mang tiếng hát cho đời ở bất cứ nơi nào họ đặt chân đến, mang lại những ca từ và triết lý chạm đến tâm hồn thính giả.

3.3. Xẩm tàu điện

Xẩm tàu điện là một đặc trưng mà ngoài Hà Nội ra thì không đâu có được. Gọi tên như vậy vì nó thường được hát trên tàu điện. Loại hình xẩm này ra đời vào đầu thế kỷ 20, trong môi trường đô thị, khi những người hát xẩm đi qua các toa tàu điện.

Đây được xem là một nhánh sau của xẩm cổ. Đặc điểm của nó là tiết tấu nhanh, ngắn gọn, lời ca thường sử dụng thơ của những thi sĩ nổi tiếng. Từ đó mà xẩm đã trở thành loại hình âm nhạc đường phố đặc sắc, góp phần tạo nên những nét văn hóa phố phường đặc sắc riêng của thủ đô Hà Nội.

Theo nghệ sĩ nhân dân hát xẩm Xuân Hoạch, nhịp điệu mỗi bài xẩm đều đu đưa, khớp với sự chao đảo, giật, lắc khi tàu phanh. Nhờ đó mà nó đã át được tiếng ồn gây khó chịu của tàu điện.

4. Nhạc cụ hát xẩm

Khi bắt đầu, đàn bầu là nhạc cụ chính được sử dụng. Tuy vậy, nó lại có âm lượng hạn chế. Cũng như rất khó để học, khó chơi nếu so với đàn nhị. Vì thế mà không phải nhóm hát xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu. 

hát xẩm

Nhạc cụ hát xẩm

Theo thời gian, một nhóm biểu diễn hát xẩm thường phải có đàn nhị, sênh, phách và cặp trống mảnh. Đôi khi cũng chỉ cần một cây đàn nhị và cỗ phách đơn, hay cặp sênh là đủ. Khi trình diễn, bên cạnh người hát chính, những người còn lại có nhiệm vụ chơi nhạc cụ đệm, hoặc hát đỡ khi cần..

5. Bảo tồn nghệ thuật hát xẩm

Hiện nay, nghệ thuật hát xẩm vẫn đang được các nghệ sĩ, và kể cả những người trẻ tuổi ra sức bảo tồn.

Vào ngày 26/11/2011, Nhà hát chèo Ninh Bình – quê hương của  cố nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, đã chính thức triển khai công trình “Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm”. Công trình này nhằm mục đích sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát xẩm, tổ chức các chương trình hát xẩm với mục đích bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật này.

Đầu năm 2015, đêm nhạc “Xẩm và Đời” đã được tổ chức dưới sự kết hợp của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc và CLB Xẩm Hà Thành. Đêm nhạc này được kỳ vọng là sẽ tổ chức định kỳ hằng năm để khẳng định lại vị trí của hát xẩm trong dòng âm nhạc dân gian.

Ngày nay, hát xẩm đã không còn tồn tại dưới dạng nguyên thủy của nó – một loại hình xướng ca mưu sinh. Hành trình phục dựng hát xẩm vẫn còn rất dài, nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều hứa hẹn cho nó, cũng như các loại hình âm nhạc truyền thống khác trong xã hội hiện đại.

Nội dung của các bài hát Xẩm dần trở nên phong phú hơn. Bên cạnh việc ngợi ca tình yêu nước, công cha nghĩa mẹ, những vấn đề xã hội hiện đại cũng đã được đưa vào những ca từ của xẩm.

Khởi đầu là một kiểu diễn xướng dân gian nơi đông người qua lại, và là phương tiện mưu sinh của không ít người khiếm thị. Nay, hát xẩm đã được đưa lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, để phục vụ khách du lịch đến thăm.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Mạnh Cường, tỉnh Ninh Bình cùng các tỉnh khu vực phía Bắc sẽ lập hồ sơ để hát xẩm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bên cạnh đó, các kế hoạch cũng được xây dựng để làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Đó là nguồn động lực vô cùng to lớn để những nghệ nhân, hay những người yêu quý bộ môn nghệ thuật truyền thống này tiếp tục cố gắng bảo tồn và phát triển nghề hát xẩm. Hy vọng trong tương lai gần, hát xẩm sẽ sớm được nhìn nhận đúng đắn, và có được vị trí thích hợp như những gì mà nó xứng đáng có được từ xưa đến nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây