Điện Hòn Chén – Di tích xứ sở tâm linh trên đất Cố Đô Huế

0
2318

Điện Hòn Chén là một công trình tâm linh thuộc triều đại nhà Nguyễn, từ thời vua Minh Mạng. Điện nằm ở nơi linh thiêng và thờ vị Thánh Mẫu Thiên Y A Na, đây là vị thánh rất quan trọng trong đời sống của người dân ở xứ sở miền Trung này. Hơn hết, đây là nơi gắn liền với nhiều giai thoại kỳ bí và là nơi linh thiên trên mảnh đất cố đô Huế.

1. Điện Hòn Chén – Đền thờ linh thiêng của đạo Mẫu

Điện Hòn Chén là một ngôi đền thờ Mẫu tọa lạc trên núi Ngọc Trản ở làng Ngọc Hồ thuộc Hương Trà, Thừa Thiên Huế. “Ngọc Trản” có nghĩa là chén ngọc, qua đó mà Điện hòn Chén là tên gọi quen thuộc của người dân nơi đây. Điều này bắt nguồn từ một giai thoại của vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc khi đến với nơi đây.

Có thể nói, trong quần thể các di tích của cố đô Huế thì Điện Hòn Chén là nơi gắn liền với nhiều giai thoại nhất. Nhờ đó mà nó nổi tiếng là một điện thờ linh thiêng bậc nhất ở Huế. 

Tương truyền rằng, vua Minh Mạng trong một lần du hành đến ngọn núi Ngọc Trản này có đánh rơi một chiếc chén Ngọc xuống dòng sông Hương. Tưởng đâu là mất luôn chén ngọc nhưng tình cờ có một con rùa từ dưới sông nổi lên trả lại chiếc chén cho vua. Vì thế mà dân gian lưu truyền rằng ngôi đền khi xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa là trả lại chén ngọc. Theo thời gian, quen thuộc với cái tên Hòn Chén này.

Điện Hòn Chén là nơi gắn liền với nhiều giai thoại kỳ bí
Điện Hòn Chén là nơi gắn liền với nhiều giai thoại kỳ bí

Tuy vậy, nếu xét về các tư liệu từ thời nhà Nguyễn thì ngôi điện có tên gốc là “Ngọc Trản Sơn Từ” có nghĩa là một đền thờ ở núi Ngọc Trản. Cho đến thời của vua Đồng Khánh thì đổi tên thành Huệ Nam Điện với ý nghĩa là mang lại ân huệ cho vua Nam. Không chỉ có thế mà điện còn có thêm nhiều giai thoại khác. Nhưng suy cho cùng thì dân gian vẫn thường hay gọi là điện Hòn Chén hay Hoàn Chén đều được.

Điện Hòn Chén vốn là một ngôi đền thờ vị nữ thần PoNagar là một vị nữ thần mẹ xứ sở của người Chăm Pa. Sau khi du nhập với người Việt thì Thiên Tiên Thánh Giáo vẫn tiếp tục thờ dưới danh là Thánh Mẫu Thiên Y A Na.

Việc tiếp nhận một di tích độc đáo từ người Champa là điện Hòn Chén thì cũng chứng minh được rằng người Việt có thể dễ dàng dung hợp và đón nhận những tín ngưỡng thần linh mang sắc thái riêng như của người Chămpa. Qua đó mà dễ dàng có sự hòa nhập về tôn giáo hay còn gọi là tình trạng bản địa hóa.

Việc chuyển ngữ từ tiếng Chămpa “PoNagar” sang Hán ngữ thì các Nho sĩ dựa trên phần ngữ âm mà tạo ra các âm hao hao giống như phiên âm tiếng Chăm nhưng cũng phải có ý nghĩa nhất định nào đó nên đã phiên âm ra thành Thiên Y A Na

2. Lịch sử của Điện Hòn Chén

Cũng như các di tích lịch sử khác, Điện Hòn Chén là một ngôi đền cổ xưa và có lịch sử lâu đời bậc nhất. Có thể kể ra những mốc thời gian như sau:

– Tháng 3/1832,vua Minh Mạng ra chiếu cho phép tu sửa và mở rộng Điện Hòn Chén.

– Năm 1834, điện tiếp tục được trùng tu thêm lần nữa.

– Đến năm 1954, Liễu Hạnh Công Chúa nguyên là Vân Hương Thánh Mẫu chính thức được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra, Điện Hòn Chén còn được chủ trương thờ Phật, Thánh quan công cùng hơn 100 vị thần linh khác nhau thuộc hàng độ đệ của các thánh thần đã liệt kê ở trên. Như vậy, có thể thấy Điện Hòn Chén không thờ một tín ngưỡng nhất định mà có sự pha trộn với nhiều tín ngưỡng khác nhau.

Điện cũng được gọi là Điện Hoàn Chén
Điện cũng được gọi là Điện Hoàn Chén

– 1883 đến 1885, trước sự kiện Vua Đồng Khánh vẫn chưa lên ngôi. Ngài sốt ruột nên nhờ mẹ ông là Kiên Thái Vương đến xin ý chỉ của Thánh mẫu Thiên Y A Na và kết quả là ông sẽ được toại nguyện.

– Cho đến 1886, sau khi lên ngôi, vua Đồng Khánh liền sai người xây dựng đền đài một cách trang hoàng, làm thêm nhiều đồ để thờ cúng và đổi tên thành Huệ Nam Điện nhằm tỏ lòng biết ơn đối với vị Thánh Mẫu này.

Xem thêm:

3. Lối kiến trúc

Điện Hòn Chén là một công trình với lối kiến trúc đặc sắc, mang đậm nét kiến trúc phong cảnh xưa. Không những thế mà điện thờ mang đậm dấu tích của kiến trúc tôn giáo. Tất cả hòa quyện cao nên một công trình di tích thơ mộng hữu tình hòa mình với sông núi của xứ Huế.

Trong tư liệu tờ thần sắc ban cho ngôi đền vào năm 1886, vua Đồng Khánh đã ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của Điện Hòn Chén như một thế sư tử đang thò đầu xuống sông Hương uống nước. 

Đền nằm tách biệt với thế giới trần tục, nằm hòa mình với thiên nhiên và giữa dòng sông Hương thơ mộng. Vì thế mà bạn cần phải đi thuyền qua. Khi đặt chân xuống vùng đất thiêng này, bạn sẽ thấy mình cứ như lạc vào xứ sở thần thiên, mảnh đất không vướng bụi trần. 

Điện Huệ Nam hiện đã được tu sửa và phục hồi
Điện Huệ Nam hiện đã được tu sửa và phục hồi

Nhìn chung, mặt bằng kiến trúc của Điện Hòn Chén không rộng. Bao gồm điện thờ chính là Minh kính Đài. Phía bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà, Am Ngoại Cảnh, bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban. Phía bên phải là Nhà Quan Cư, Chùa Thánh, Trinh Cát Viện.

Trong đó, Minh Kính Đài được xây dựng năm 1886 với mặt bằng 15m x 17m từ thời vua Đồng Khánh. Nó được chia làm 3 cung theo cấp bậc từ lớn đến nhỏ là:

 – Minh Kính Cao Ðài Ðệ Nhất Cung hay còn gọi với cái tên Thượng Cung hoặc Thượng Ðiện. Cung được chia làm 2 tầng là tầng trên và tầng dưới. Tầng trên là thờ người cao nhất là Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Ðồng Khánh cùng một số thần thánh có vị trí cao trong tôn giáo, tầng dưới được dùng để chỗ tiếp khách và là nơi ở của người thủ từ

 – Minh Kính Trung Ðài Ðệ Nhị Cung hay còn gọi là Cung Hội Ðồng. Kiến trúc này ở giữa được xây dựng bệ thờ cao và lớn. Bên cạnh Thượng cùng thì Cung thì cung này thờ hàng chục thần thánh khác nhau. Trong đó có cả Phật và dùng làm nơi chứa các đồ thờ dùng để rước sắc tại các dịp lễ lớn trong năm như: Võng Cung Nghinh Mẫu, Long Ðình, Phụng Liễn.

Minh Kính Tiểu Ðài Ðệ Tam Cung hay còn gọi là Tiền Ðiện. Đây là nơi có xây một hương án lớn, hai bên đặt trống chuông và được xem là chỗ cử hành các lễ tế lớn nhỏ. Mặt khác thì đây cũng là nơi đứng cúng lạy của khách hành hương khi đến tham quan hoặc dâng lễ tại đây.

Hình ảnh phượng hoàng được dùng nhiều ở trên các bờ nóc quyết của Minh Kính đài hay các công trình kiến trúc khác ở chung quanh nhằm để trang trí. Điều này xuất phát từ quan niệm phượng hoàng tượng trưng cho giới nữ, ở đây chỉ các vị nữ thần. Nó cũng được điêu khắc, trang trí trên rất nhiều các đồ tự khí trong điện.

Tại Minh Kính Ðài có phần lớn các đồ thờ quý báu và đều được ghi rõ là sản xuất ra dưới thời vua Ðồng Khánh. Nhìn chung thì những đồ thờ ấy cũng rất được trang hoàng và lạ mắt đối với người xem.

4. Giá trị nghệ thuật, ý nghĩa lịch sử 

Điện Hòn Chén ngoài giá trị là một nơi tâm linh phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo mà nó là một trong những điểm du lịch kỳ bí thu hút rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Chính vì lối kiến trúc của đền được xây dựng độc đáo bên dòng sông Hương, có làng mạc, núi non, sông nước tạo nên đã tạo ra một bức tranh của điện Hòn Chén thêm phần hữu tình và thơ mộng.

Phía bên phải chính là hòn núi Kim Phụng uy nghi đồ sộ. Còn phía bên trái của Điện Hòn Chén là vách đá cheo leo trên bờ dốc thẳm, cùng với đó là tượng cọp trừng mắt. Tất cả tạo ra một không gian linh thiêng thần bí của các thánh thần đối với những “con tôi đệ tử” của Thiên Tiên Thánh Giáo.

Thêm một điều thú vị nữa, nhất là với giới nghiên cứu dân tộc học, là trong khi ở Hổ Quyền bên kia sông Hương, con cọp là một linh vật đáng lẽ phải đưa ra đấu trường để bị tiêu diệt, còn khi ở điện Hòn Chén bên này sông, con cọp lại được thờ cúng như một vị thần linh. Điều đó cũng khiến cho Con cọp được nâng cao giá trị tâm linh đối với nơi đây tương tự với ” Bạch Hổ” được tôn thờ rộng rãi tại miền Nam.

Quả thật Điện Hòn Chén là nơi chứa đựng những giá trị nghệ thuật cùng ý nghĩa lịch sử rất sâu sắc. Nó đánh dấu những cột mốc lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam cùng với việc thể hiện những quan niệm, văn hóa tín ngưỡng của người xưa thông qua các lối kiến trúc, các tập tục, tín ngưỡng và niềm tin của con người đối với các vị thần linh.

Để đến được điện bạn phải đi thuyền sang sông Hương
Để đến được điện bạn phải đi thuyền sang sông Hương

Không những thế mà Điện Hòn Chén còn có một giá trị về du lịch đối với mảnh đất Cố Đô này. Qua đó mà thu hút rất nhiều du khách đến với nơi đây bở sự huyền bí, tâm linh mà nó mang lại. Việc đẩy mạnh du lịch tại Điện Hòn Chén cũng được thúc đẩy rất nhiều hiện nay. Hằng năm, Lễ hội Điện Hòn Chén thu hút hàng ngàn người tham dự và dâng lễ vô cùng tấp nập và náo nhiệt.

Điện Hòn Chén là ngôi đền duy nhất có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân cố đô Huế và đó cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp hoàn hảo giữa các nghi thức cung đình cùng tín ngưỡng dân gian của cả người Việt lẫn người Champa, giữa lễ hội và các nghi thức tâm linh đồng bóng, giữa tâm linh và mê tín. Đây cũng là nơi trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Điện còn là sự pha trộn của nhiều tín ngưỡng tôn giáo mang sắc thái đa dạng.

Có thể nói, bên cạnh quần thể di tích cố đô như Đại Nội Huế, Chùa Thiên Mụ, Lăng Khải Định, Đàn Nam Giao…thì Điện Hòn Chén được xem là một địa điểm tâm linh vô cùng nổi tiếng. Người ta thường đến đây để cầu mong những điều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Mà một điều kỳ bí hơn nữa, nơi đây là nơi “Cầu được ước thấy” càng tăng thêm vẻ huyền diệu cho nơi đây.

Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử, văn hóa – tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một địa điểm du lịch tham quan văn hóa vô cùng độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp các dịp lễ lớn vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây