Lối thoát nào cho mạng xã hội Việt Nam trong thời đại 4.0

0
1107

Mạng xã hội Việt Nam thành công nhất Việt Nam có lẽ phải kể đến Zalo. Đáng tiếc mạng xã hội này cũng gặp nhiều vấn đề về nguồn gốc và xuất xứ. Thực tế mạng xã hội Việt Nam vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn để có cơ hội phát triển.

1. Điểm danh những mạng xã hội Việt Nam

Rất ít mạng xã hội tồn tại quá một năm trước khi bị khai tử. Đây là một điều khá đáng tiếc dành cho những mạng xã hội tại Việt Nam. Trường hợp thành công nhất phải kể đến Zalo.vn, đây có lẽ là mạng xã hội có tiềm năng nhất nhưng cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong vấn đề nguồn gốc và xuất xứ khi mã nguồn của nó có sự liên hệ với mã nguồn Wechat của Trung Quốc.

1.1. Mạng xã hội Việt Nam Zing.me

 

Mạng xã hội Zing.me nở rộ nhanh chóng nhờ bắt kịp xu hướng game online đổ bộ vào Việt Nam. Đứng sau Zing.me không ai khác VinaGame, công ty chuyên về phát triển game. Sau này công ty đổi tên thành VNG.

Bởi xu hướng game online lúc bây giờ, định hướng phát triển của Zing.me chỉ tập trung vào mảng game online dành cho các đối tượng game thủ. VNG đã tạo nên một hệ sinh thái phòng phú thông qua việc cung cấp cả kho ứng dụng (chủ yếu là game) cho thành viên.

Điều này là một điểm mạnh cũng là một điểm bất cập đối với mạng xã hội này vì nó chỉ hướng tới đối tượng game thủ. Do đó nó không phù hợp với đại đa số người dùng như Yahoo Blog hay các trang mạng xã hội khác.

1.2. Zalo

Mặc dù không được chính thức đăng ký hoạt động mạng xã hội nhưng Zalo luôn được các thông cáo báo chí của Zalo Group và giới truyền thông gọi tên là mạng xã hội Zalo.

Thành công của Zalo không đến từ cung cấp các tiện ích về game dành cho các game thủ như Zing.me, tiền thân của nó là một ứng dụng chat đa phương tiện (OTT) và dần được mở rộng ra nhiều tính năng chia sẻ thông tin trên tường tương tự các mạng xã hội khác. Hiện đây được đánh giá là một trong những mạng xã hội thành công nhất Việt Nam với hơn 100 triệu tài khoản người dùng tại Việt Nam.

 

Sự riêng tư chính là điểm mạnh của Zalo. Cụ thể nếu theo mặc định, nội dung phần bình luận của người khác chỉ được hiển thị đối với những người đã kết bạn. Đây là một điểm khác biệt khá mới mẻ trong chính sách riêng tư của Zalo so với các mạng xã hội lớn khác như Facebook.

Hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh và đặt trong nước mang lại tốc độ truy cập nhanh và giao diện thân thiện cho người sử dụng. Đây là điều mà ít có mạng xã hội nào có thể làm được. Chính điều này đã thu hút nhiều người sử dụng hơn đến với mạng xã hội Việt Nam Zalo.

Zalo hiện nay cung cấp đa dạng tính năng gần như đầy đủ cho một mạng xã hội chẳng hạn như nhắn tin, gọi điện, chat nhóm, thanh toán đồng thời chia sẻ đa phương tiện lên dòng thời gian.

Một phần tạo nên sức hút của Zalo nằm ở việc nhiều người dùng xem nó là ứng dụng trò chuyện thay vì các mạng xã hội lớn hiện nay với giao diện đa số nhái theo facebook.

Mỗi năm mạng xã hội Việt Nam được cấp giấy đã lên đến 455 mạng xã hội, song để thực sự gây ấn tượng đối với đông đảo người sử dụng như mạng xã hội Việt Nam Zalo, vẫn chưa thật sự có mạng xã hội nào đủ sáng tạo, đủ phổ biến.

1.3. Mạng xã hội Lotus

 

Năm 2019 có lẽ là năm bội thu nhất khi chứng kiến sự ra đời của hàng loạt mạng xã hội. Vào tháng 9/2019, mạng xã hội Lotus ra mắt công chúng với tham vọng cạnh tranh với Facebook. VCCorp đã đầu tư một cách bài bản khi hợp tác với hàng trăm đơn vị sản xuất nội dung khác nhau nhằm mang lại nội dung mới lạ cho người sử dụng.

Theo một số thông tin cho biết mạng xã hội Lotus của VCCorp đã thu hút đến 1200 tỷ đồng gọi vốn. Điểm khác biệt của mạng xã hội Việt Nam này nằm ở khai thác nội dung và tặng token người dùng nhằm mang lại sự khác biệt đối với các mạng xã hội khác.

Song công chúng vẫn chưa thật sự thấy được sự khác biệt quá lớn giữa Lotus và các mạng xã hội ra đời trước đó mặc dù công ty thông báo có đến hơn 200 kỹ sư tham gia xây dựng, hỗ trợ dự án này. Bên cạnh đó những tính năng hết sức mơ hồ của Lotus khiến nó ngày càng khó sử dụng và không nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dùng.

1.4. Gapo

Trước đó, vào tháng 7/2019, mạng xã hội Gapo cũng đã được ra mắt với mục tiêu 50 triệu người dùng đến năm 2021. Theo như tuyên bố của một quỹ đầu tư, hiện mạng xã hội được rót vốn lên đến 500 tỉ đồng.

Tuy nhiên người dùng nhận thấy sự mơ hồ trong các tính năng sử dụng cũng như sự cố sập mạng và im hơi lặng tiếng những ngày sau đó. Ngoài ra mạng xã hội chỉ hỗ trợ nền tảng IOS và android mà không hỗ trợ website. Sau một thời gian ra mắt, mạng xã hội Gapo tuyên bốc đạt mốc 3 triệu người dùng và dần rơi vào quên lãng.

Ngoài ra, bên cạnh sự mờ nhạt trong các tính năng, nghi án “copy” các điều khoản thỏa thuận người dùng từ Google khiến hình ảnh của Gapo trở nên xấu hơn trong mắt người dùng. Hiện nay mặc dù mạng xã hội vẫn hoạt động bình thường song đa phần vẫn là các lượt tương tác ảo khiến cái đích hướng tới 50 triệu người dùng chỉ còn là mơ tưởng.

1.5. Hahalolo

Hahalolo đánh dấu sự xuất hiện với tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook đồng thời Hahalolo mong muốn trong tương lai gần có thể đạt được 2 tỷ người dùng đồng thời lên sàn chứng khoán Mỹ.

1.6. Biztime

Gần đây một mạng xã hội được liên kết với ví điện tử được ra mắt cho người dùng là Biztime. Mạng xã hội này ra đời với mong muốn thay thế Facebook trở thành một trong các mạng xã hội lớn hỗ trợ trên nhiều nền tảng website, Android, IOS.

Xem thêm:

2. Lối thoát nào cho mạng xã hội Việt Nam

Có thể thấy điểm chung của các mạng xã hội Việt Nam đều là tham vọng thay thế Facebook trong tương lai. Nói cách khác, những tham vọng của họ gần như xa vời nếu so với tình hình thực tế.

Điểm trừ khiến các mạng xã hội Việt Nam không thể cạnh tranh lại các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram,… nằm ở sự thiếu sao chép ý tưởng trong giao diện, lượng người dùng thấp cũng như không có tính mới, tính sáng tạo.

Thực tế con số 455 mạng xã hội được đăng ký tính đến năm 2019 đã cho thấy thực trạng thảm khốc và cái kết cho những mạng xã hội Việt Nam bắt nguồn từ sự thiếu sáng tạo trong thiết kế không mang lại hứng thú cho người dùng.

Mặc dù gặp quá nhiều khó khăn thử thách, song Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có một niềm tin bền vững vào việc phát triển mạng xã hội.

Nhiều doanh nghiệp cho biết mong muốn đặt mục tiêu dài hạn về lượng người tiêu dùng và độ phổ biến trong tương lai gần giai đoạn 2020 – 2025. Được biết công ty MTP Entertainment cũng đã có kế hoạch ra mắt mạng xã hội Sky Social nhằm khiến mọi người dễ tiếp cận nhau hơn thông qua mạng xã hội này.

Theo tổng giám đốc của VCCorp, ông Nguyễn Thế Tân nhận định, các doanh nghiệp trong nước vẫn có cơ hội giành lại được thị trường từ nền tảng xã hội nước ngoài. Ông cho biết các nền tảng nước ngoài tuy mạnh và độc quyền, nhưng họ chỉ phân phối chứ không chú trọng sản xuất nội dung, vì vậy các nhà sản xuất nội dung chính là những người có thể vực dậy mạng xã hội Việt Nam và giành lại chủ quyền thông tin.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để cạnh tranh lại các mạng xã hội nước ngoài, mạng xã hội Việt Nam phải có cách tiếp cận mới và khác biệt so với facebook. Theo đó khi xây dựng mạng xã hội mới, vấn đề ý tưởng là yếu tố quan trọng hàng đầu bởi. Một mạng xã hội thành công không thể xây dựng trên nền tảng bắt chước Facebook.

Ông Hùng khẳng định, mục tiêu của Việt Nam không nằm ở sự thay thế mạng xã hội nước ngoài bởi mỗi một mạng xã hội đều có chức năng riêng, hướng tới đối tượng riêng. Nói cách khác, mạng xã hội Việt Nam tồn tại song song với các mạng xã hội nước ngoài đồng thời các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật trong nước.

Đại diện của mạng xã hội Gapo nhận định, các mạng xã hội Việt Nam có nhiều lợi thế chẳng hạn như khả năng có khả năng tùy biến công nghệ, thấu hiểu, nội dung phù hợp với người Việt,… Ngoài ra mạng xã hội Việt Nam đảm bảo an toàn dữ liệu bởi máy chủ được đặt tại Việt Nam có thể đảm bảo xử lí bất kì phát sinh trong quá trình sử dụng.

Đồng thời đại diện của Gapo mong muốn khung hành lang pháp lý đối với dịch vụ thông tin điện tử trên mạng sẽ được hoàn thiện hơn trong tương lai nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh cho những mạng xã hội trong và ngoài nước. Đây là một vấn đề đáng quan tâm vì những quy định hiện tại có phần chưa thỏa đáng trong việc đảm bảo quản lý hoạt động của mạng xã hội nước ngoài.

Đồng thời Gapo kiến nghị các cơ quan quản lý có quy định chặt chẽ hơn đối với các dịch vụ xuyên biên giới của các mạng xã hội nước ngoài đảm bảo tuân thủ các quy định trong nước tương tự như các mạng xã hội trong nước.

Có thể thấy vấn đề phát triển ý tưởng sao cho đủ sức để thu hút người dùng đồng thời cạnh tranh công bằng đối với các mạng xã hội nước ngoài khác đang gặp nhiều hạn chế. Sự thiếu sáng tạo đang dần đưa mạng xã hội Việt Nam đi theo lối mòn gây nhàm chán cho người dùng. Tuy nhiên bất chấp những khó khăn đó, các nhà đầu tư vẫn nỗ lực tìm kiếm tia hi vọng phát triển mạng xã hội độc quyền của Việt Nam.

Lời kết

Tóm lại, các mạng xã hội Việt Nam đã và đang đi những bước khởi đầu cho hành trình phát triển một mạng xã hội nội địa phổ biến. Hi vọng rằng qua những cái kết dành cho những mạng xã hội hiện tại, các công ty phát triển nền tảng mạng xã hội đã có thể rút ra được kinh nghiệm và ngày càng cải thiện sản phẩm của bản thân. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây