Ngày thất tịch là một ngày lễ đặc biệt để kỷ niệm cho một chuyện tình đầy bi thương của cặp Ngưu Lang và Chức Nữ. Có thể nói đây được xem là ngày lễ Valentine của phương Đông. Bạn đã biết gì về ngày lễ thất tịch hay chưa? Tham khảo để biết thêm chi tiết.
1. Truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ
Có rất nhiều câu chuyện sự tích khác nhau xoay quanh truyền thuyết Ngưu Lang – Chức Nữ. Tuy nhiên theo truyền thuyết phổ biến nhất thì Ngưu Lang là một chàng chăn trâu nghèo khổ nhưng hết sức chăm chỉ và thiện lương. Chức Nữ là một nàng tiên dệt vải là con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Nàng có nhiệm vụ chuyên dệt mây ngũ sắc trên trời.
Một ngày nọ, chàng Ngưu Lang thấy một đám tiên nữ hạ phàm để tắm rửa. Ngay lúc ấy anh đã phải lòng nàng tiên nhỏ tuổi nhất là Chức Nữ. Khi ấy anh giấu xiêm y của cô gái để cô khỏi có thể về trời. Đến giờ, khi mà các chị của Chức Nữ đều lũ lượt về trời thì nàng tiên đang vật vã tìm xiêm y của mình. Thấy thương cảm cho cô, chàng Ngưu Lang bèn trả lại xiêm y đồng thời thổ lộ tình cảm của mình.
Thấy Ngưu Lang hiền lành và chân thành, Chức Nữ đồng ý nên duyên vợ chồng và sống những ngày tháng vui vẻ ở nhân gian. Ở dưới hạ giới, họ đã sinh hai đứa con một trai một gái.
Trong khi đó, tại Thiên đình, Ngọc Đế không thấy con gái út trở về thì lệnh cho binh tướng đón công chúa trở về. Chức Nữ đành phải trở về trời rời xa Ngưu Lang và con. Không nản chí từ bỏ, Ngưu Lang đau khổ chạy đuổi theo vợ. Thế nhưng chàng chỉ có thể chờ đợi ngay sông Ngân Hà chờ ngày nàng quay lại. Vương Mẫu Nương Nương khí đấy cảm động bởi tấm chân tình của Ngưu Lang, thế là đồng ý cho họ gặp nhau vào mùng 7 tháng 7 hàng năm. Khi đó hai người sẽ gặp nhau trên cầu Ô Thước.
Vào thời điểm này thường có mưa ngâu. Người đời cho rằng đó là những giọt nước mắt khi hai người gặp lại nhau. Cũng vì lí do này, tại Việt Nam, Ngưu Lang và Chức Nữ còn được gọi với cái tên ông Ngâu và bà Ngâu.
Truyền thuyết trên đây là phiên bản phổ biến nhất được nhiều người biết đến nhất, song không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa sâu xa sau câu chuyện tình của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Ngưu Lang vốn thực chất là một tinh quân của một phương. Trong khi đó Chức Nữ là tiên tử ở cung Dao Trì. Hai vị thần tiên chứng kiến cảnh con người thế nhân lúc bấy giờ không còn coi trọng đạo nghĩa vợ chồng nên đã xuống trần. Từ đó mọi người mới lưu truyền giai thoại về cặp đôi này nhằm ghi nhớ về một tình yêu đẹp với đạo nghĩa vợ chồng.

Truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ ngày thất tịch
Xem thêm:
- Top bài hát Tik Tok Trung Quốc được yêu thích nhất hiện nay
- Tuyển tập những bài hát về mẹ cha nhân ngày Vu Lan ý nghĩa
- Các phần mềm cắt nhạc tốt nhất không phải ai cũng biết
2. Các phong tục trong ngày Thất Tịch
Tại Trung Quốc, hình thức tổ chức lễ hội trong dịp Tết Thất tịch rất phong phú với nhiều hoạt động đặc sắc. Thông thường phong tục phổ biến nhất vào dịp này là vào ngày thất tịch mồng 7 tháng 7 âm lịch, những người phụ nữ sẽ bày mâm quả cầu xin chức nữ ban cho sự khéo léo.
2.1. Xâu kim
Truyền thuyết về Ngưu Lang và Chức Nữ đã được lưu truyền từ thời nhà Hán, dĩ nhiên trong ngày thất tịch, người Hán cũng có những phong tục đặc biệt như xâu kim thật nhanh trong đêm trăng.
Người nào tham gia cuộc thi mà câu được nhiều mũi kim nhất trong một phút thì sẽ được công nhận là người khéo tay nhất trong tương lai. Tại Hong Kong, hình ảnh những phụ nữ trẻ biểu diễn kỹ năng may và làm tặng phẩm dưới bầu trời đêm cũng trở nên phổ biến hơn vào ngày thất tịch.
2.2. Ngợi ca Chức Nữ
Theo tục lệ, ngoài sự khéo léo, những phụ nữ trẻ còn mong Chức Nữ bạn cho mình sự xinh đẹp. Đặc biệt vào đêm ngày thất tịch họ sẽ có nghi thức gội đầu để cầu xinh đẹp.
Vào thời điểm này, những người phụ nữ có thể tham gia các hoạt động của buổi lễ bao gồm thêu thùa hoặc làm bàn thờ giấy để thể hiện sự tôn trọng đối với cặp đôi Ngưu Lang – Chức Nữ. Những người này thường ước bản thân xinh đẹp, khéo léo, tài năng và đặc biệt nhờ Chức Nữ ban cho mình tấm chồng vừa ý.
2.3. Khắc trái cây ngày thất tịch
Khắc trái cây là một hoạt động đầy ý nghĩa khác trong ngày thất tịch. Vào ngày này, người ta có thể thấy những loại trái cây để được cắt tỉa một cách khéo léo thành những bông hoa, những con chim tinh xảo. bề mặt trơn nhẵn của các loại dưa khiến loại hoa quả này trở thành loại quả lý tưởng cho việc điêu khắc.
2.4. Làm và ăn xảo quả ngày thất tịch
Vào ngày thất tịch, người ta thường ăn quả xảo (巧果), đó là một loại bánh ngọt rán mỏng được làm từ bột, đường và mè. Xảo quả có nghĩa là loại điểm tâm mang ngụ ý khéo léo hay tài giỏi.
Nhiều người thường tự tay làm xảo quả tại nhà hoặc tham gia làm xảo quả cùng nhiều người khác. Đầu tiên, cho đường vào nồi và nấu lên thành súp, sau đó người nấu đổ dần dần bột và mè vào. Khi hỗn hợp trở nên mềm nhão thì đặt lên bàn và cuộn trong một tấm mỏng.
Xảo quả có thể được cắt ra theo hình vuông hoặc trụ tròn. Những thỏi bột này được nặn thành những hình dạng khác nhau tùy theo sở thích của người làm và được rán cho đến khi vàng ruộm.
Ở miền đông Trung Hoa, thay vì làm xảo quả nhiều nhóm bạn nữ chọn làm một loại bánh hấp đặc biệt. Một thứ giống như đồng và một quả chà là sẽ được bỏ vào nhân hai trong số những bánh hấp. Tương truyền rằng ai mà ăn được bánh hấp có chứa đồng thì sẽ giàu có còn ăn được bánh có chà là thì sẽ nhanh chóng được ý trung nhân.
Hiện nay nhiều người truyền tin nhau về việc ăn đậu đỏ vào ngày thất tịch thì có thể tìm được người yêu. Tuy nhiên tục ăn chè đậu đỏ đang vấp phải nhiều ý kiến về xuất xứ và nguồn gốc.
Thực tế tục ăn chè đậu đỏ không được ưa chuộng vào những năm 90. Nói cách khác sự xuất hiện của tục ăn chè đậu đỏ chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Nguồn gốc thật sự của tục ăn chè đầu đỏ vào ngày thất tịch được lan truyền bởi một tài khoản bên Trung. Điều này cho thấy tin đồn về việc ăn chè đậu đỏ là một tin đồn không có thật và chưa từng được kiểm chứng.

Ăn đậu đỏ vào ngày thất tịch có may mắn không?
3. Ngày thất tịch tại các nước phương đông khác
3.1. Ngày ông Ngâu bà Ngâu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Ngưu Lang – Chức Nữ còn có tên gọi khác là ông Ngâu bà Ngâu. Nguyên nhân bắt nguồn bởi thời tiết mưa ngâu mỗi khi vào đầu tháng 7 Âm lịch. Người ta thường xem những giọt mưa ngâu là nước mắt của đôi tình nhân được gặp lại sau một năm xa cách.
Ngày thất tịch là một dịp đặc biệt để những người trẻ cầu nguyên đường tình duyên và hôn nhân của bản thân. Những cô gái, chàng trai độc thân đến chùa thường cầu nguyên sao cho sớm tìm được nửa kia dành cho mình. Đối với những người đã có đôi có cặp, họ cầu mong cho mối tình bền chặt hơn bao giờ hết.
Nếu Phương tây có Valentine thì Thất Tịch cũng được đôi lứa yêu nhau coi là lễ tình nhân phương Đông. Tương tự như Valentine, các cặp đôi cũng tặng quà cho nhau. Nhiều người tin rằng nếu ai đó ăn chè đậu đỏ vào ngày này thì sang năm sau sẽ tìm được người yêu.
3.2. Lễ hội Tanabata Matsuri ở Nhật Bản
Lễ hội Thất Tịch khi du nhập vào Nhật Bản thì có tên là Tanabata Matsuri. Truyền thuyết về ngày thất tịch của Nhật cũng không có quá nhiều khác biệt với phiên bản gốc. Đó là câu chuyện giữa nàng tiên dệt vải Orihime và anh chàng chăn trâu Hikoboshi, cũng tương tự như Ngưu Lang và Chức Nữ của Trung Quốc, đây là mối tình bị ngăn cấm và chỉ có thể gặp nhau vào một ngày trong năm.
Vào ngày này, ngoài cầu cho tình duyên, đây cũng là cơ hội để người Nhật Bản cầu mong cho một cuộc sống thịnh vượng. Từng người từng người viết ước nguyện của mình vào những mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc và treo chúng lên những cành trúc trước cửa nhà. Nếu các cô gái hy vọng Orihime sẽ ban cho họ sự khéo léo và tài thêu thùa xuất sắc thì các gia đình thì cầu xin Hikoboshi mang lại cho họ một mùa bội thu.
Trẻ em nơi này coi Tanabata Matsuri là một ngày hội đặc biệt để gặp nhau và vui chơi. Những đứa trẻ có thể tự tay trang trí cây trúc, đem gắn lên đó những điều ước của chúng và trồng trước cửa nhà, cửa lớp dưới sự hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô.
Đặc biệt vào ngày thất tịch, tại nhật thường có phong tục ăn mì somen vào buổi tối. Người xưa quan niệm rằng những sợi mì Somen giống như những sợi tơ mà Orihime đã dệt trong khi chờ đợi để đến ngày gặp lại Hikoboshi.
3.3. Lễ Chilseok ở Hàn Quốc
Vào ngày 7/7 Âm lịch, ở Hàn Quốc cũng diễn ra một lễ hội truyền thống Chilseok tương tự như ngày thất tịch. Khi tìm hiểu về câu chuyện về nàng tiên Jiknyeo và chàng nông dân Gyeonwu bạn sẽ thấy nó sẽ có nhiều điểm tương đồng với hình tượng Ngưu Lang Chức Nữ ở Trung Hoa.
Vào thời điểm diễn ra Chilseok, tiết trời mùa hè đã qua đi và bắt đầu chuyển sang mùa thu với những cơn mưa lất phất. Tương tự như mưa ngâu của Việt Nam, tại Hàn Quốc, nước này được gọi là nước Chilseok. Mỗi khi đến ngày lễ Chilseok, người dân thường dâng lên bí đỏ và dưa leo vì hai loại này sinh trưởng khá tốt.
Vào ngày thất tịch Chilseok, người dân Hàn Quốc thường có phong tục tắm để cầu chúc cho sức khỏe tốt. Không chỉ mà một ngày lễ ca ngợi tình yêu, đây là một lễ hội để thưởng thức nhiều các món ăn làm từ lúa mì. Bởi đây là thời điểm lúa mì ngon nhất trong năm.

Ngày thất tịch tại các nước phương đông khác
Tóm lại ngày thất tịch là một ngày đặc biệt để con người có những phút giây suy ngẫm về giá trị của tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Mặc dù mỗi nước có một nền tảng chung mang tính biểu tượng song mỗi quốc gia sẽ diễn ra nhiều hoạt động khác nhau tạo nên những nét riêng đầy thú vị trong văn hóa của mỗi vùng miền.