Nhã nhạc cung đình Huế – Di sản văn hóa phi vật thể

0
2622

Tháng 12/2003, UNESCO chính thức công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, đây được xem là niềm tự hào của người Việt nói chung và Huế nói riêng. Có thể thấy, Nhã nhạc cung đình Huế là loại hình văn hóa nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận.

1. Lịch sử và tôn vinh Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc là loại hình nghệ thuật có liên quan đến âm nhạc cung đình tồn tại ở 4 nước đồng văn đó là Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản. Đây được xem như loại nhạc chính thống của triều đình dùng trong các các buổi lễ long trọng khi xưa như tế Giao, tế Miếu, các dịp triều hội…

Như vậy, Nhã nhạc tồn tại và phát triển rất mạnh ở thời phong kiến, Đối với nhã nhạc cung đình Huế, tiền thân của nó là ở các triều đại trước, không phải hình thành ở triều đại nhà Nguyễn. Theo như các ghi chép thì nhã nhạc cung đình hình thành từ triều đại Lý – Trần.

Sau đó, dần phát triển, bổ sung và biến tấu nhiều hơn, tùy vào từng đặc điểm văn hóa vùng miền mà tạo nên các thể loại khác nhau. Với triều đại nhà Nguyễn có kinh thành tại Thuận Hóa (tên gọi của Huế lúc xưa), vì thế mà được gọi là nhã nhạc cung đình Huế.

Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại âm nhạc được bàn luận rất nhiều trong thời nhà Nguyễn. Nhất là vua Minh Mạng có chủ trương muốn phát triển thể loại nhạc này. Như trong sách Đại Nam thực lục có ghi lại:

Vua nói: “Trẫm thấy buổi đầu gầy dựng, lễ nhạc còn thiếu, thường muốn sáng chế mà chưa nắm được cốt yếu. Các khanh có từng nhờ được nhã nhạc của triều Lê không?”. QUAN BỘ LỄ PHAN HUY THỰC ĐÁP: “NHẠC CỦA TRIỀU LÊ CHỈ CÓ ĐỘI BẢ LỆNH MÀ THÔI”. 

nhã nhạc cung đình huế

Nhã nhạc là loại hình âm nhạc phát triển mạnh mẽ ở thời phong kiến

Trên thực tế thì nhã nhạc cung đình Huế lấy cơ sở và kế thừa những lý thuyết của nhã nhạc triều Lê. Dựa trên chức năng của nó là loại nhạc dùng trong các buổi tế Giao, tế Miếu, lễ Thượng thọ, lễ Đại yến, lễ Đại triều… Điều này là bắt nguồn từ nhã nhạc triều Lê đã quy định.

Vì vậy mà ta có thể hiểu nhã nhạc cung đình Huế là loại nhạc chính thống của triều đình, được xem là văn hóa và nếp sống của hoàng gia, được quy định chặt chẽ, đậm tính chất lễ nghi. Nhã nhạc còn có nghĩa phụ là một tổ chức âm nhạc hoạt động trong cung đình bao gồm các nghệ sĩ chơi những nhạc cụ khác nhau.

Từ đó mà nhã nhạc là loại nhạc tao nhã, thanh lịch. Đối lập với các tục nhạc trong dân gian, điều này cũng xuất phát từ những tập tục của chế độ phong kiến xưa. Vì thế mà nhã nhạc cung đình Huế đều ở trên một bậc so với các loại nhạc khác lúc bấy giờ.

 Tóm lại, Nhã nhạc cung đình Huế cũng được gọi là nhã nhạc cung đình Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, có giá trị văn hóa rất cao. Hơn hết, Nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, sau quần thể di tích cố đô Huế đã được công nhà là di sản văn hóa vật thể trước kia. Một lần nữa, Huế lại được tôn vinh, lan rộng các nét đẹp văn hóa đến với bạn bè quốc tế gần xa.

Xem thêm:

2. Giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc cung đình Huế

Theo như các tư liệu và ghi chép của sử sách triều Nguyễn thì có đến 12 cuộc lễ. Với mỗi lễ có đầy đủ các bài ca chương. Trong đó có 126 bài ca chương là đầy đủ với nguyên gốc và có bản dịch.

Còn với nhạc khí thì có 6 dàn nhạc bao gồm: Nhã nhạc, Nhạc huyền (bộ nhạc treo), Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ty chung và Ty khánh, Quân nhạc. Các dàn nhạc đều sẽ có các nhạc khí cụ thể, không dưới 30 loại nhạc cụ và hàng trăm loại nhạc khí khác nhau. Chẳng hạn với Đại Nhạc bao gồm 42 loại nhạc cụ, 4 chủng loại nhạc khí cùng 2 bộ gõ và hơi. Bộ gõ của Đại Nhạ là loại màng rung có 20 trống.

Với bài bản của Nhã nhạc cung đình Huế cũng rất phong phú. Chẳng hạn như Tiểu Nhạc và Đại Nhạc có các bài bản như:  

Tiểu nhạc có tất cả là 15 bài bản gồm Mười bản ngự Thập thủ liên hoàn cùng 5 bài bản còn lại đó là Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long Ngâm, Long đăng và Tiểu khúc.

Đại nhạc với nhiều bài bản đặc sắc như: Tam luân cửu chuyển, Đăng đàn cung, Đăng đàn cung đơn, Xàng xê, Đăng đàn cung kép, Tẩu mã, Kèn chiếu, Phú lục, Bông, Mã vũ, Man, Du xuân, Nam Ai, Nam Bình, Cung Nam, Nam Trĩ.

Như thế, tất cả các loại nhạc khí, bài bản, ca chương, phối khí…đều do những nhạc công, vũ công, ca công tài năng nhất của đất nước thực hiện. Âm nhạc dường như trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các buổi đại lễ lớn nhỏ của cung đình, trở thành tiếng nói huyền diệu, kết nối, giao cảm với đất trời, thần linh cũng như tổ tiên dân tộc.

Tất cả những điều đó đều mang lại những giá trị vô giá, trường tồn trong tâm thức mỗi con người dân tộc Việt, nhất là đối với người Huế, những giai điệu vẫn còn lưu mãi trong họ. Cũng vì thế mà Nhã nhạc cung đình Huế được xem là di sản văn hóa, loại âm nhạc cổ điển bác học Việt Nam có những nguyên lý cấu trúc cũng như tư tưởng văn hóa triết lý của phương Đông.

nhã nhạc cung đình huế

Nhã nhạc Huế có giá trị vô giá, trường tồn trong tâm thức mỗi con người dân tộc Việt

Như vậy, nhã nhạc cung đình Huế là một thể loại nghệ thuật cung đình với một hệ thống kết cấu vô cùng chặt chẽ, tạo cơ sở và nền tảng quan trọng cho 5 lĩnh vực như sau:

  • Thống nhất và hoàn chỉnh cấu trúc của các dàn nhạc
  • Hệ thống bản nhạc hòa tấu không lời
  • Nhạc đệm cho vũ công múa hát
  • Các ca khúc trong thể loại múa có hát
  • Các ca chương hát trong các buổi lễ long trọng

3. Bảo tồn và phát huy

Như đã nói, Nhã nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa rất có giá trị về mặt văn hóa cũng như lịch sử. Và Huế là nơi giữ trong lòng di sản văn hóa phi vật thể này. Cũng vì thế mà Nhã nhạc Huế đang được chú trọng để bảo tồn và phát huy.

Vì vậy mà Nhã nhạc cung đình Huế luôn là một phần không thể thiếu trong các mùa Festival Huế được tổ chức thường năm một lần. những màn trình diễn Nhã nhạc cung đình Huế đều thu được những thành công vang dội, cùng những tràng pháo tay nhiệt liệt của người xem, bao gồm cả du khách trong nước và cả những du khách quốc tế. Vào năm 2004, Festival Huế được tổ chức lần thứ 3 là một mùa Festival tôn vinh giá trị văn hóa Nhã nhạc cung đình Huế.

nhã nhạc cung đình huế

Việc bảo tồn và phát huy thể loại Nhã nhạc được chú trọng

 Tuy vậy, không phải đến khi thế giới biết đến Nhã nhạc Huế mà ta mới chú trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Mà từ 45 năm trước kế từ thời điểm ấy, hai nhạc sĩ là Trần Văn Khê và Nguyễn Hữu Ba đã có một dự án ghi âm nhac nhạc cung đình Việt nam rồi giới thiệu ra với thế giới. 

Cũng trong những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều đoàn nghệ sỹ Nhã nhạc đã tham gia biểu diễn tại nước ngoài cũng góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa này đến với bạn bè quốc tế, hơn hết, còn được người nước ngoài đánh giá rất cao cùng yêu thích thể loại âm nhạc này.

Vào ngày 31/1/2004, Nhã nhạc cung đình Huế được vang lên tại trời Âu Paris. Có thể nói cảm xúc của những người Việt ngay tại ấy là những xúc động, bồi hồi và không kém phần tự hào dân tộc. Như GS.TS nhạc sĩ Trần Văn Khê đã rất xúc động khi tiếng đàn, tiếng kèn vang lên bởi những người trẻ tuổi nhưng chơi một loại nhạc dân tộc lâu đời. Điều đó khiến cho Nhã nhạc thêm phần giá trị hơn nữa.

Nhận ra được những giá trị và ý nghĩa của Nhã nhạc cung đình Huế mang lại trong thời hiện đại, các lớp đào tạo Nhã nhạc cung đình huế lại ngày càng rộng mở và phát triển. Lớp học đầu tiên là vào tháng 9/1996, tại trường Đại học Nghệ thuật Huế đã có khóa học đầu tiên về bộ môn âm nhạc này.

Cũng từ đó mà việc bảo tồn và phát huy được Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch cùng trường Đại học Nghệ thuật, Nhạc viện Huế, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ tiếp tục đảm nhiệm cho đến ngày nay. Không những thế mà với mỗi con người xứ Huế vẫn luôn ý thức gìn giữ cái nét đẹp văn hóa của thể loại nhạc cổ truyền này.

Những kỳ Festival Huế được diễn ra hằng năm cũng chú trọng trình diễn với bộ môn âm nhạc này, nhã nhạc cung đình Huế được tái hiện lại tại các lễ tế đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, lễ lên ngôi của hoàng đế Quang Trung…Hơn thế nữa mà nó còn được biểu diễn rộng rãi và thường kỳ tại nhà hát Duyệt Thị Đường hay Nhà hát Minh Khiêm Đường tại Lăng Tự Đức.

Ngày nay, việc ứng dụng Nhã nhạc cung đình Huế vào trong các sự kiện, lễ lượt lớn càng được chú trọng, những dàn nhạc, ca chương, bài bản được sử dụng ở các hình thức diễn xướng như: Festival, lễ hội dân gian, lễ hội Phật giáo, nghi thức ngoại giao, biểu diễn phục vụ cho khách du lịch…

Nhã nhạc Huế hiện vẫn còn đang được nghiên cứu sâu hơn trên nhiều phương diện cả về văn hóa, xã hội cho đến nhân học, dân tộc học…Chẳng hạn, Nghiên cứu mối tương quan giữa Nhã nhạc cung đình Huế với các Nhã nhạc khác ở các nước trong khu vực hay nghiên cứu kế hợp với trống đồng và đàn đá vào dàn Nhã nhạc,…Tất cả đều hướng đến sự bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Cho đến ngày nay, Nhã nhạc cung đình Huế không chỉ là một di sản mà nó còn là một loại hình nghệ thuật thu hút du khách đến với Huế để tìm tòi, khám phá, trải nghiệm nó. Cũng vì thế mà nhiều du khách biết đến mảnh đất cố đô Huế thông qua loại hình này. Vì thế mà Nhã nhạc cung đình Huế cũng là yếu tố giúp thúc đẩy phát triển về du lịch vượt trội bên cạnh các di tích cố đô mà Huế có được.

Tóm lại, nhã nhạc cung đình Huế là một loại hình âm nhạc đặc trưng, mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam. Không những thế mà nó còn là biểu tượng văn hóa xứ Huế. Nếu bạn đang có ý định đến với Cố đô Huế thì đừng quên trải nghiệm loại hình nghệ thuật âm nhạc đặc sắc này nhé.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây