Các nhân vật chính trong truyện Thần đồng đất Việt

0
10574

Tác phẩm Thần đồng đất Việt được thực hiện bởi họa sĩ tác giả Lê Minh và công ty Phan Thị từ năm 2002 cho đến nay. Lần đầu tiên ra mắt phát hành và gây ấn tượng lớn bởi NXB Trẻ và hiện nay là NXB Văn hóa Sài Gòn.

Trải qua hơn 100 tập truyện, Thần đồng đất Việt giống như món quà bổ ích cho thiếu nhi với sự thông minh tài trí của Trạng Tí và nhóm bạn của mình. Qua đó mang đến các em những bài học bổ ích, những kiến thức lịch sử và còn là những điều hay ý đẹp trong cuộc sống.

1. Bối cảnh của truyện thần đồng đất việt.

1.1 Làng Phan Thị

  • Được sử dụng hầu như xuyên suốt cho bộ truyện, ngôi làng Phan Thị lấy bối cảnh của một làng quê Việt Nam xưa đồng lúa xanh trải dài, lũy tre làng, cây đa giếng nước, mái ngói đình làng, đàn trâu gặm cỏ, nhà tranh vách lá… Cùng việc kết hợp những chi tiết thôn quê dân dã mang đậm nét Việt Nam, làng Phan Thị mang đến một nét thân quen đặc biệt.

1.2 Kinh thành Thăng Long- Triều đình Đại Việt

  • Triều đình Đại Việt là bối cảnh được hư cấu từ hình ảnh của triều đình phong kiến thời xưa với những chi tiết được lồng ghép từ những triều đại trong lịch sử xuyên suốt với nhau của đất nước ta. Từ thời của Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa cho đến triều Nguyễn- triều đại phong kiến cuối cùng. Phân cảnh được tác giả sử dụng nhiều nhất là chánh điện, nơi vua và quan thiết triều bàn trọng sự, tiếp đón sứ giả của các nước.

1.3 Triều đình Phương Bắc

  • Giống như bối cảnh của triều đình Đại Việt, cảnh triều đình ở Bắc quốc cũng được sáng tạo hư cấu lồng ghép sử dụng nhiều chi tiết của địa danh Tử Cấm thành ở Trung Quốc. Phân cảnh được dàn trải khá đa dạng từ chánh điện cho đến ngự hoa viên và khu vực tiếp đón sứ giả.

1.4 Làng Đỗ Thị

  • Được xuất hiện bắt đầu ở tập 42, tập truyện “Ngôi làng xấu tính”, làng Đỗ Thị chính là “hàng xóm láng giềng” của làng Phan Thị và bối cảnh cũng là hình ảnh làng quê Việt Nam xưa.
Thần đồng đất Việt

Các nhân vật chính của Thần đồng đất Việt

Các tuyến nhân vật truyện thần đồng đất Việt

Tuyến nhân vật trong truyện THẦN ĐỒNG ĐẤT VIỆT được tác giả đặt theo tên 12 con giáp của phương Đông rất ngộ nghĩnh.

2. Các nhân vật trong thần Đồng Đất Việt

2.1 Trạng Tí

Đây là nhân vật chính của bộ truyện Thần đồng đất Việt, Trạng Tí vốn là Văn Tinh Quân – vị tiên tinh thông vạn sự ở thiên cung được Ngọc Hoàng phái xuống nước Nam giúp đỡ triều đình Đại Việt giữ yên bờ cõi, và mở mang kiến thức cho nhân dân nước Nam. Là nhân vật đại diện cũng như để vinh danh các vị quan trạng và các danh nhân lịch sử anh hùng của đất nước.

Trạng Tí được tác giả xây dựng một nhân vật đầy đủ phẩm chất ưu tú nhất: có trí tuệ siêu phàm, tài lược xuất chúng, ứng biến nhạy bén, lòng can đảm trung kiên, vì nước, vì dân, yêu hòa bình, căm ghét thói cường quyền, khoan dung rộng lượng, hiếu thảo và tốt bụng… Tuy nhiên, nhân vật Trạng Tí là một đứa trẻ, vẫn mang trong hình nét ngây thơ hồn nhiên vui tươi của mình, vẫn còn đó là những trò chơi đùa nghịch ngợm, lém lỉnh giống như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Và cũng biết ngại ngùng bối rối trước cô bé xinh xắn Sửu Ẹo mà cậu chơi thân và yêu quý.

Thần đồng đất Việt

Nhân vật Trạng Tí

2.2 Sửu Ẹo trong Thần Đồng Đất Việt

Là cô bạn rất thân của Trạng Tí, Sửu Ẹo trong truyện cũng là cô bé duy nhất của nhóm và được yêu mến bởi cả ba cậu nhóc là Tí, Dần, Mẹo. Sửu là con gái rượu của thầy đồ Kiết, thầy dạy học của Trạng Tí. Từ nhỏ đã mồ côi mẹ nên Sửu rất đảm đang việc nhà và cũng cực kỳ hiếu thảo với cha. Sửu là một cô bé rất xinh xắn, dễ thương, tốt bụng và nhân hậu. Tuy vậy đôi lúc cũng khá đanh đá, nhất là khi nhìn thấy Tí đi cùng các cô bạn khác như công chúa Thiên Thân hay công chúa Phương Thìn. Rất dễ mau nước mắt nhưng cô bé Sửu lại hay tỏ ra rắng rỏi và cũng rất có chí khí không hề kém cạnh các bạn con trai. Hình ảnh của cô bé mà Trạng Tí yêu quý này cũng chính là chân dung hình tượng người của phụ nữ Việt Nam với đầy đủ những phẩm chất công dung ngôn hạnh, lòng quả cảm bất khuất, kiên cường.

2.3 Dần Béo

Trong truyện thần Đồng Đất Việt, Dần Béo là cậu con trai duy nhất của gia đình bà Tám Tiền và ông Xã Bạc, Dần có một ngoại hình khá mũm mĩm như mẹ mình nên có biệt danh là Dần Béo. Tính cách khờ khạo, nhát gan, ham ăn và rất sợ chết. Nhưng cũng có những lúc Dần thể hiện sự lanh lợi, có lòng dũng cảm và một tinh thần yêu nước mạnh mẽ. Cùng với Trạng Tí, cậu bé Dần đã đóng góp rất nhiều công sức cho nhân dân cho đất nước. Dần cũng rất thích cô bé Sửu nhưng với trí tuệ khá kém của mình, thì cậu chẳng bao giờ có thể địch nỗi Trạng Tí.

Thần đồng đất Việt

Nhân vật Dần Béo thần đồng đất Việt

2.4 Cả Mẹo

Đây một trong những nhân vật thần đồng đất Việt được nhiều bạn đọc nhớ đến. Cả Mẹo là con trai độc đinh của người giàu nhất làng Phan Thị là bá hộ Mão, cậu ấm Cả Mẹo xuất thân trong sự giàu có sung túc nên tính cách rất hách dịch, khinh người và hay khoe mẽ. Ham tiền, ích kỷ và không bao giờ tự nguyện giúp đỡ người khác (trừ phi là có sự tác động của cô bé Sửu). Nhưng đôi lúc Cả Mẹo lại rất tốt bụng, cậu cũng dũng cảm chống lại cường quyền, và cũng tràn đầy tinh thần yêu nước yêu dân.

Trí tuệ của cậu ấm Mẹo thuộc loại bình thường nhưng lại hay ganh đua với Trạng Tí và lần nào cũng thua cuộc trong tức tưởi. Dù là một cậu ấm nhưng đôi lúc Cả Mẹo cũng khốn khổ vì nhà có đến ba người mẹ quản thúc, chăm non. Mẹo cũng rất mến Sửu Eọ nhưng lúc nào cũng ấm ức vì Sửu Eọ lại luôn ưu ái cho Trạng Tí hơn.

Thần đồng đất Việt

Nhân vật Cả Mẹo

2.5 Phương Thìn

Là công chúa xinh xắn, quý phái và cao sang, con gái yêu của vua Đại Việt, Phương Thìn được vua cha cưng chiều hết mực nên rất hay đỏng đảnh và nhõng nhẽo. Cuộc sống sung sướng trong nhung lụa, ít được tiếp xúc với cuộc sống xã hội bên ngoài nên đôi khi công chúa Phương Thìn hơi cạn nghĩ và ích kỷ. Rất yêu thương vua cha nên cô công chúa cực ghét hoàng hậu Tào Phi và tể tướng Tào Hống cả 2 lúc nào cũng gian tà xiểm nịnh. Công chúa Phương Thìn vô cùng khâm phục tài trí của thần đồng đất Việt và rất yêu mến Trạng Tí khiến Sửu Ẹo nhiều lần nổi đóa ghen tuông.

Xem thêm:

2.6 Tiểu Tỵ

Là chú tiểu xuất gia tu hành trong một ngôi chùa trên núi nằm gần làng Phan Thị, có bản tính hiền lành, nhân hậu nên Tiểu Tỵ thường bị ức hiếp, lợi dụng. Nhưng chú tiểu cũng rất thông minh, với sự chân chất, trung thức của mình và sự giúp đỡ của Trạng Tí, cậu luôn luôn vượt qua được hết mọi rắc rối do những kẻ xấu gây ra. Tiểu Tỵ rất yêu thương kính trọng sư phụ trụ trì và cực kỳ khâm phục Trạng Tí.

2.7 Ngọ “bà chằn”

Là con gái của lương y Từ Văn Phế, cô bé Ngọ nổi tiếng là hung dữ, cộc cằn và rất hay hành hung các cậu bạn nam khác nên đám bạn gán biệt danh là Ngọ “bà chằn”. Ngọ cực ghét bọn con trai thô lỗ nên thường có hành động nghĩa hiệp bênh vực các bạn nữ khác như Sửu Eọ và Mùi mập. Cha Ngọ là lương y của làng nhưng lại rất dốt về chuyên môn y học nên Ngọ cũng hay thường hay làm theo mấy cách khám chữa bệnh vớ vẩn mà cha mình làm ra.

2.8 Mùi mập

Được xuất hiện ở những tập đầu tiên với thân phận là cô nhi, về sau này Mùi Mập đã tìm được mẹ ruột của mình. Mùi mập là một cô bé khá tròn trịa, không xinh đẹp nhưng tính nết rất tốt, nhân hậu, hiền lành và có chút khờ khạo. Mùi mập thích Cả Mẹo nhưng luôn bị Mẹo chối từ, dù vậy cô bé không hề nản lòng mà vẫn luôn theo đuổi Cả Mẹo bằng một tình cảm vô cùng đáng yêu, trong sáng.

2.9 Thiên Thân trong thần đồng đất Việt

Là con gái của vua triều đình Bắc quốc, công chúa Thiên Thân tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng đã được Bắc quốc xưng tụng là “thần đồng đất Bắc” có tài trí tinh thông nổi trội hơn người. Trong một lần đi sang sứ nước Nam, công chúa Thiên Thân đã có dịp gặp mặt và chứng kiến tài năng xuất chúng của Trạng Tí, tuy không lớn hơn cô bao nhiêu nhưng Thiên Thân tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ cậu bé đó. Thân phận là công chúa của Bắc quốc, nhưng không giống với vua cha, công chúa Thiên Thân rất chính trực, biết phân biệt phải trái, yêu hòa bình và không bao giờ ép buộc Trạng Tí phải quy phục thiên triều mà còn nhiều lần giúp Trạng Tí thoát khỏi những kế độc mưu sâu của Vương thừa tướng. Tính tình công chúa vô cùng sắc sảo nhạy bén nhưng vì Thiên Thân vẫn đang là một cô bé nên nhiều lúc công chúa Thiên Thân rất hồn nhiên trong sáng khi ở cạnh Trạng Tí và nhóm bạn Nam quốc.

2.10 Dậu rách trong Thần Đồng Đất Việt

Là một cậu bé nghèo trong làng Phan Thị sống cùng với người bà bệnh tật ốm yếu, cậu phải đi làm mướn làm thuê để kiếm tiền sinh nhai và chạy chữa thuốc men cho bà của mình. Dậu rất có tài và cậu cũng có chí lớn nhưng do hoàn cảnh nghèo đói nên cậu không có đủ điều kiện thuận lợi để ăn học. Bản tính của Dậu thật thà, hiền lành và hơi khờ khạo nên thường xuyên bị bá hộ Mão cũng như đám bạn, người đứng đầu là Cả Mẹo hay chèn ép bắt nạt và bóc lột.

2.11 Bá Tuất trong thần đồng đất Việt

Là quan hộ vệ của Vương gia phủ, tên đầy đủ là Dương Bá Tuất, vốn cũng là Võ Tinh Quân ở trên thiên đình được phái xuống để giúp triều đình trấn giữ biên cương chống thù trong giặc ngoài. Nhân vật trong truyện Bá Tuất hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của những anh hùng dũng tướng trong lịch sử như võ lực song toàn, sức mạnh vô biên, khí khái anh hùng, công minh chính trực, trừ gian giúp yếu, căm phẫn cường quyền, yêu nước thương dân, trung can nghĩa hiệp…Trạng Tí và Bá Tuất, một văn một võ, đã góp nhiều công sức giúp cho triều đình Đại Việt ngày càng vững mạnh, đây là nét đẹp của bộ truyện Thần đồng đất Việt.

2.12 Hoàng Thượng Đại Việt trong thần đồng đất Việt

Là một ông vua của nước Đại Việt hết lòng vì nước vì dân nhưng do bản tính khá nhu nhược, thiếu tính quyết đoán nên ý chí không vững vàng và tinh thần dễ bị thay đổi, lung lay mỗi khi có kẻ xấu xu nịnh, dèm pha. Tuy vậy ông lại là vị vua có tầm nhìn biết trọng dụng nhân tài, biết phân định rõ ràng đúng sai. Ông có tính sợ vợ là hoàng hậu Tào Phi, cưng chiều hết mực cô con gái rượu là công chúa Phương Thìn, và có phần hơi tính trẻ con, ham chơi và say mê gái đẹp.

Bên cạnh đó còn những nhân vật khác xuất hiện qua từng tập truyện. Thần đồng đất Việt mang lại nhiều giá trị nhân văn, ý nghĩa lịch sử giúp bạn đọc có những bài học bổ ích và thêm yêu con người Việt Nam ta. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây