Trở thành “chuyên gia” máy lạnh với những bí kíp sau

0
1209

Máy lạnh là thiết bị thông dụng trong các gia đình, mang đến luồng khí mát lạnh xua tan nóng bức nhanh chóng, đặc biệt tiện dụng cho khí hậu nước ta. Bài viết sau sẽ giải đáp tất tần tật về sản phẩm giúp bạn dễ dàng chọn được sản phẩm ưng ý.

Máy lạnh hiện nay được chia thành 2 loại phổ biến: máy lạnh 1 chiều có tác dụng duy nhất là làm lạnh và máy lạnh 2 chiều có khả năng sưởi cùng làm lạnh; kèm theo đó là các tính năng đa dạng phù hợp cho nhiều đối tượng người dùng. Vậy, đứng giữa ma trận sản phẩm làm sao để tìm được “chân ái” cho mình? Đừng lo lắng, những điều bạn tìm đều có trong bài viết sau, hiểu rõ chúng bạn sẽ trở thành “chuyên gia” máy lạnh luôn đấy nhé!

1. Cấu tạo máy lạnh

  • Dàn lạnh

Dàn lạnh thực chất là một dàn lá nhôm rất dày chứa các ống đồng được uốn thành nhiều lớp, có tác dụng hấp thu nhiệt độ bên trong phòng để môi chất lạnh đưa ra ngoài. Đồng thời, dàn lạnh còn có các bộ phận khác như lưới lọc, mặt nạ, cánh đảo gió dọc, cánh đảo gió ngang, đâu gió ra, cảm biến…

  • Dàn nóng

Tương tự như dàn lạnh, dàn nóng là tập hợp ống đồng uốn thành nhiều lớp đặt trong dàn lá nhôm. Sau khi môi chất lạnh hấp thụ nhiệt từ dàn lạnh, dàn nóng sẽ thải nhiệt ra ngoài môi trường.

  • Lốc máy lạnh (máy nén)

Lốc máy lạnh có chức năng hút chân không ở dàn lạnh, nén gas sang dạng lỏng ở dàn nóng để quá trình xả nhiệt đạt được hiệu quả tốt nhất.

  • Quạt dàn lạnh

Quạt dàn lạnh sẽ giúp tăng sự hấp thu nhiệt cho dàn lạnh bằng cách tạo tạo luồng khí lưu thông liên tục. Nếu bộ phận này không chạy hoặc chạy yếu, máy lạnh không thể làm mát được.

  • Quạt dàn nóng

Quạt dàn nóng sẽ thổi không khí xuyên qua dàn nóng để nhiệt được thải ra ngoài môi trường một cách tối ưu.

  • Van tiết lưu

Sau khi gas đi qua dàn nóng, van tiết lưu hạ áp nó để tản nhiệt. Tiếp đến chuyển gas thành dạng khí với áp suất và nhiệt độ thấp.

  • Ống dẫn gas

Đây là bộ phận quan trọng trong cấu tạo của máy lạnh có trách nhiệm dẫn gas từ dàn lạnh đến dàn nóng nên được làm bằng đồng, 

  • Bảng điều khiển

Bố trí tại dàn lạnh, chịu trách nhiệm điều hành và kiểm soát hoạt động của máy lạnh.

  • Tụ điện

Tụ điện giúp động cơ điện của máy nén khởi động. Bên cạnh đó, máy lạnh còn được cấu tạo từ các bộ phận khác như máng nước, khung vỏ, bộ phận an toàn, cảm biến nhiệt dàn lạnh…

2. Nguyên lý hoạt động

  • Bước 1: Gas là môi chất làm lạnh. Sau khi gas đi qua van tiết lưu sẽ có áp suất cùng nhiệt độ thấp.
  • Bước 2: Tại dàn lạnh, môi chất lạnh hấp thụ nhiệt từ môi trường xung quanh. Không khí trong phòng bị quạt gió hút vào dàn lạnh để làm lạnh rồi trả về lại phòng.
  • Bước 3: Máy nén tiếp nhận môi chất mang nhiệt rồi nén gas tới áp suất cao hơn.
  • Bước 4: Quạt cùng lá nhôm tản nhiệt tại dàn nóng sẽ làm mát gas có nhiệt và áp suất cao.
  • Bước 5: Gas được đưa đến van tiết lưu để giảm nhiệt và áp suất rồi bắt đầu chu trình mới.

Xem thêm:

3. Chọn mua máy lạnh

3.1 Máy lạnh 1 chiều hay 2 chiều

  • Máy lạnh 1 chiều: Tác dụng chính là làm lạnh, thêm vào đó là nhiều chế độ và các tiện ích khác như lọc không khí, kháng khuẩn, khử mùi. Tiết kiệm chi phí hơn máy lạnh 2 chiều, phù hợp sử dụng cho ngày hè nóng bức, miền Nam, vùng không có mùa đông lạnh. 
  • Máy lạnh 2 chiều: Bên cạnh khả năng làm lạnh, thiết bị có khả năng đổi ngược chiều để làm ấm, giữ không khí trong phòng luôn ở mức trung bình 25 – 26 độ C. Tùy vào model, máy lạnh sẽ được tích hợp thêm các tính năng khác. Phù hợp sử dụng cho gia đình ở nơi có mùa đông lạnh như miền Bắc hoặc vùng núi cao như Đà Lạt.
máy lạnh

Phân loại máy lạnh 1 chiều và 2 chiều

3.2 Công suất máy lạnh

Đây là tiêu chí bạn cần đặt biệt quan tâm vì nếu dùng máy lạnh công suất nhỏ cho phòng lớn sẽ không đáp ứng khả năng làm mát ngay cả khi đã hoạt động hết công suất. Ngược lại, trang bị máy lạnh công suất cao cho phòng nhỏ sẽ làm tốn kém điện năng và chi phí vô ích.

  • Tính công suất máy lạnh theo diện tích phòng

Công thức

Công suất = diện tích phòng * 600 BTU (tương đương 600 BTU/ m2)

Trong đó

  • BTU là đơn vị nhiệt của Anh
  • 9.000 BTU = 1HP (ngựa)

VD: Phòng diện tích 30 m2, khi áp dụng công thức sẽ là 30 m2 x 600 BTU = 18.000 BTU. Tương đương với máy lạnh công suất 2HP.

Lưu ý: Áp dụng công thức cho phòng có trần nhà trung bình thấp hơn hoặc bằng 3m.

  • Tính công suất máy lạnh theo thể tích phòng

Công thức

Công suất = thể tích phòng * 200 BTU (tương đương 200 BTU/ m3)

Trong đó

  • Thể tích phòng = diện tích phòng x chiều cao

VD: Thể tích phòng 50 m3, khi áp dụng công thức sẽ là 50 m3 x 200 BTU = 10.000 BTU. Tương đương với máy lạnh công suất 1.5 HP.

Lưu ý: Áp dụng cho phòng có trần cao, gác trọ thông từ trên xuống… Độ chính xác cao hơn cách tính theo diện tích.

  • Tính công suất theo dựa theo các điều kiện bên ngoài

Việc tính công suất máy lạnh phù hợp còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như khả năng cách nhiệt, số lượng cửa sổ, ánh nắng chiếu vào, vật dụng trong phòng… 2 cách tính theo diện tích và thể tích phòng bên trên cho độ chính xác tương đối nhưng vẫn ở mức chấp nhận được vì đã bỏ ra các nhân tố tác động. Nếu bạn có các thông số cụ thể thì có thể áp dụng công thức sau:

Công suất = Thể tích phòng * chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong nhà * hệ số cách nhiệt.

Trong đó:

Hệ số cách nhiệt Vách kín, cách nhiệt tốt 20 – 25
Cửa sổ kín 25 – 30
Nhiều cửa sổ kín 30 – 40
Tường bằng kín lớn 45

 VD: Phòng khách 4m x 5m x 2,7m; vách tường, cửa sổ kín, nhiệt độ cài đặt 25 độ C, nhiệt độ bên ngoài 35 độ C

Công suất =  54m3 x 10 x 25 = 13.500 BTU/h

  • Gợi ý công suất phòng

Tùy vào điều kiện thực tế, bạn chọn công suất phòng phù hợp. Nếu phòng nơi lắp máy lạnh thường có đông người, thông phòng khác, ánh nắng chiếu trực tiếp…, bạn nên khấu hao bằng cách cộng thêm 0.5 HP vào công suất định mua.

  • Thể tích phòng 45m3: Công suất 1.0 HP
  • Thể tích phòng 60m3: Công suất 1.5 HP
  • Thể tích phòng 80m3: Công suất 2.0 HP
  • Thể tích phòng 120m3: Công suất 2.5 HP

3.3 Khả năng tiết kiệm điện

Công nghệ Inverter

Inverter là công nghệ biến tần giúp thay đổi công suất điện năng phù hợp nhất với năng lượng, giảm các hao phí điện không cần thiết. Bạn nên ưu tiên máy lạnh Inverter vì tuy có mức giá cao hơn một chút so với loại thường nhưng tính về mặt lâu dài, thiết bị tiết kiệm chi phí hơn.

Tem năng lượng

Trên máy lạnh có nhãn dán năng lượng và tem năng lượng do Bộ Công Thương cấp phép. Mỗi cấp độ minh chứng cho khả năng tiết kiệm điện, càng nhiều sao thiết bị càng tiết kiệm điện.

máy lạnh

5 sao là mức tiết kiệm năng lượng cao nhất

3.4 Độ bền và ổn định

Máy lạnh ngày nay được trang bị rất nhiều tính năng, công nghệ để gia tăng tuổi thọ thiết bị. Khi chọn mua, bạn hãy xem xét đến những yếu tố giúp tăng độ bền và ổn định như bảo vệ sụt áp, chống sụt áp, chống ăn mòn dàn nóng…

3.5 Các tiện ích

  • Chế độ ngủ ban đêm: Vào ban đêm nhiệt độ hạ thấp, do đó, chế độ ngủ ban đêm sẽ tạo ra các luồng khí êm dịu để người dùng không bị lạnh, cho giấc ngủ ngon hơn. Đặc biệt thích hợp cho nhà có trẻ em và người lớn tuổi.
  • Điều khiển bằng điện thoại: Giải quyết vấn đề “não cá vàng” của một bộ phận người dùng. Với máy lạnh có khả năng kết nối Internet, bạn có thể điều khiển nó dễ dàng mà chẳng cần phải tìm đến chiếc remote.
  • Làm lạnh tức thì: Tính năng này giúp căn phòng được hạ nhiệt trong thời gian ngắn.
  • Làm mát siêu êm: Mang đến cảm giác êm ái, dễ chịu, thư thái, không gian yên tĩnh, đưa người dùng chìm vào giấc ngủ ngon và sâu.
  • Thổi gió dễ chịu: Các cánh đảo gió hướng lên phía trần nhà nên không phả luồng khí lạnh trực tiếp lên người dùng, mang đến bầu không khí mát lạnh dễ chịu khắp cả căn phòng và không bị sốc nhiệt.

3.6 Thương hiệu

Bạn nên chọn máy lạnh của các thương hiệu uy tín toàn cầu như LG, Samsung đến từ Hàn Quốc, Electrolux của Thụy Điển; Daikin, Panasonic, Sharp, Toshiba, Hitachi của Nhật để nhận được sản phẩm chất lượng và chính sách bảo hành tốt.

5. Những lưu ý khi lắp đặt máy lạnh

  • Không lắp máy lạnh gần các thiết bị điện (tủ lạnh, tivi, dàn âm thanh…). Cũng như không để các vật dụng lớn như tủ, kệ che khuất máy gây cản trở luồng khí lạnh.
  • Không bố trí máy lạnh tại nơi có nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời chiếu vào. Vì có thể sẽ khiến thiết bị nhỏ nước, tốn nhiều điện năng hơn.
  • Tình toán vị trí lắp máy cho phù hợp để nó có thể tỏa hơi lạnh khắp phòng, tránh để thổi trực tiếp vào người.
  • Dàn nóng cần bố trí nơi sạch sẽ, râm mát, kín gió, không có vật cản trước mặt, không che đậy quá kín. Nếu có thể, bạn hãy trang bị tấm bạc chống nhiệt che chắn hoặc làm khung cho dàn nóng bằng vật liệu cách nhiệt để tiết kiệm 5 – 10% điện.
  • Tránh đi đường ống thoát nước quá dài hoặc gấp khúc vì có thể làm trào ngược. *
  • Tốt nhất, nên lắp đường ống thoát nước có độ nghiêng để dẫn nước từ dàn lạnh ra nhanh và hiệu quả. 
  • Đường ống đặt ngầm trong tường cần bọc lớp bảo ôn để tường không bị ảnh hưởng kết cấu, nứt hay tạo nấm mốc.

6. Cách tăng tuổi thọ máy lạnh

Điều chỉnh nhiệt độ phòng hợp lý

Tuy máy lạnh có thể hoạt động dưới 16 độ, nhưng bạn chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ ở 26 – 28 độ để bảo vệ sức khỏe. Giảm hao tốn điện năng và giữ độ bền cho thiết bị.

Cho máy lạnh có thời gian nghỉ

Máy móc cũng như con người, khi hoạt động liên tục sẽ dễ gây hư hỏng. Nếu bạn cứ để máy lạnh chạy 24/24 trong thời gian dài có thể dẫn đến cháy nổ do quá tải. Tốt nhất, sau 8 – 10 tiếng hoạt động, bạn cho thiết bị nghỉ vài tiếng.

Định kỳ vệ sinh, bảo dưỡng

Điều này giúp máy lạnh vận hành tốt hơn. Cũng như dễ dàng phát hiện các trục trặc để giải quyết kịp thời, gia tăng tuổi thọ thiết bị.

máy lạnh

Máy lạnh cần được bảo dưỡng vệ sinh định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần

Như vậy bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về cơ chế hoạt động. Cung như cách chọn mua cũng như những lưu ý khi lắp đặt và cách gia tăng tuổi thọ máy lạnh. Hi vọng bạn sẽ tìm được thiết bị phù hợp cho gia đình mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây